Sự nghiệp Trần Cung (Đông Hán)

Trần Cung là người Đông Quận (東郡, thuộc Duyện châu, nay là phía nam huyện Tân, Sơn Đông). Sách Điển lược mô tả ông là người tráng liệt cứng cỏi[1].

Thời trẻ, ông là người có tiếng, những kẻ sĩ nổi danh trong nước đều đến kết giao. Khi loạn lạc nổi ra, Trần Cung lúc đầu theo Tào Tháo vào khoảng năm 190. Công lao nổi bật nhất của Trần Cung lúc dưới trướng Tào Tháo là lấy được Duyện Châu (兖州; phía tây tỉnh Sơn Đông ngày nay) bằng con đường giao thiệp. Đây là một bước đi chiến lược cho sự gia tăng quyền lực của Tào Tháo về sau.

Tào Tháo làm thứ sử Duyện châu, mang quân sang Từ châu (徐州, phía bắc Giang Tô ngày nay) đánh Đào Khiêm vì cho rằng Đào Khiêm gây ra cái chết của cha mình là Tào Tung. Năm 194, thấy Tào Tháo tàn sát nhiều người vô tội ở Từ châu, Trần Cung thất vọng về Tào Tháo nên quyết định bỏ họ Tào[2]. Gặp lúc Lã Bố chạy ở chỗ Viên Thiệu đến Duyện châu, Trần Cung khuyên Trương Mạc rằng:

"Ngày nay hào kiệt đều nổi dậy, thiên hạ chia lìa, ngài nắm quân trong nghìn dặm, giữ đất bốn bề tranh chiếm, giương kiếm liếc nhìn cũng đủ làm chủ của người khác; vậy mà trái lại bị người ta ngăn ép, há chẳng hèn sao! Nay quân trong châu đánh miền đông, xứ ấy bỏ trống, Lã Bố là bậc tráng sĩ, thiện chiến không ai địch nổi, nếu đến đón hắn, cùng lĩnh Duyện châu, đứng xem hình thế trong thiên hạ, đợi sự biến thông của thời thế, vậy cũng đủ tung hoành ở một thời vậy".

Trương Mạc nghe theo, cùng em là Trương Siêu và Tòng sự trung lang Hứa Dĩ, Vương Khải đồng lòng chống Tào Tháo. Gặp lúc Tào Tháo vừa sai Trần Cung đem binh đóng đồn ở Đông Quận; Cung bèn dẫn quân sang phía đông đón Bố làm Duyện châu mục, chiếm huyện Bộc Dương; quận huyện đều hưởng ứng, riêng các huyện Quyên Thành, Đông A, Phạm là cố thủ giúp Tào Tháo.

Tào Tháo buộc phải bỏ Từ châu quay về chống Lã Bố. Sau một thời gian dài bị bao vậy, cuối cùng Lã Bố hết lương và bị đánh bật ra khỏi Duyện châu, phải chạy sang Hạ Bì (下邳; nay là Bi Châu), thủ phủ của Từ Châu và xin Lưu Bị che chở.

Năm 196, Lã Bố đánh úp lấy Hạ Bì, tự tuyên bố mình là người cai quản Từ Châu và đuổi Lưu Bị sang Tiểu Bái (小沛).

Trần Cung hay bày kế giúp Lã Bố nhưng Lã Bố thường không theo kế của ông[1]. Năm 198, Tào Tháo khởi đại quân đến giúp Lưu Bị đánh Từ châu. Lã Bố định sai Trần Cung và Cao Thuận giữ thành, tự đem quân kị chặn đường vận lương của Tào Tháo, nhưng thấy vợ can ngăn không nên, chần chừ không quyết định được.

Quân Tào đến vây áp thành Hạ Bì. Trần Cung khuyên Lã Bố rằng:

"Tào Công từ xa đến, thế chẳng được lâu. Nếu tướng quân đem quân bộ kị ra đóng đồn gây thanh thế ở ngoài, còn Cung đem quân còn lại đóng giữ ở trong. Nếu Tào Công hướng đến tướng quân thì Cung dẫn quân ra đánh mặt sau; còn nếu đến đánh thành thì tướng quân đánh cứu ở ngoài; như thế không quá một tuần thì lương thực của Tào Công tất hết, sẽ đánh phá được thôi".

Lã Bố cho là phải, định thi hành, thì người vợ lại gièm pha lòng trung thành của Trần Cung, khuyên không nên ra ngoài. Lã Bố nghe theo lời vợ, lại thôi.

Thành Hạ Bì bị vây bức trong hai tháng, đến tháng thứ ba Tào Tháo cho khơi sông Nghi và Tứ, làm ngập lụt cả Hạ Bì, quân Viên Thuật thì không đến cứu. Tình hình nguy cấp, các thuộc tướng của Lã Bố chia rẽ. Ba tướng Hầu Thành, Tống Hiến, Ngụy Tục bắt trói Trần Cung rồi đem quân bản bộ ra hàng Tào[1]. Lã Bố chạy lên lầu Bạch Môn rồi cuối cùng cũng bị quân Tào vây ngặt phải đầu hàng.

Tam Quốc diễn nghĩa thuật lại đoạn Trần Cung đối đáp với Tào Tháo như trong sách Điển lược[1]:

Tào Tháo nói với Trần Cung rằng: "Khanh bình sinh tự cho là mưu kế có thừa. Nay lại thế nào?"

Trần Cung ngoảnh về phía Lã Bố nói: "Chỉ là người ngồi kia không theo lời Cung nên đến nỗi này. Nếu hắn nghe theo thì chẳng bị bắt vậy".

Tào Tháo cười nói: "Việc hôm nay phải làm thế nào?"

Trần Cung đáp: "Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, tự biết phải chết".

Tào Tháo hỏi về mẹ già, Trần Cung nói: "Cung nghe nói kẻ dùng đạo hiếu để trị thiên hạ thì không giết người thân của người khác; mẹ già còn hay mất là do ở minh công vậy".

Tào Tháo lại hỏi về vợ con, Trần Cung nói: "Cung nghe nói kẻ dùng lòng nhân để quản bốn cõi thì không dứt người nối dõi của người khác; vợ con còn hay mất cũng do ở minh công vậy".

Nói xong, ông tỏ ý sẵn sàng chịu chết. Trần Cung đi ra pháp trường, không dừng lại. Tào Tháo khóc mà tiễn ông, ông không ngoảnh đầu lại. Sau khi ông chết, Tào Tháo đãi người nhà ông hậu hơn trước, sai nuôi mẹ ông đến hết đời, lại gả chồng cho con gái Trần Cung.